Tìm hiểu về Truyền Thuyết Lễ Giỗ Tổ ngành May mặc (12/12 Âm Lịch)
Đăng ngày 21-01-2021Sự tích về vị Tổ nghề may.
Bất cứ người dân Việt Nam nào cũng biết nghề may là nghề truyền thống rất lâu đời và bắt nguồn từ khi tổ tiên chúng ta biết nuôi tằm, trồng dâu.
Thế nhưng vị Tổ nghề là ai? Thì không phải ai cũng biết. Tuy nhiên, các bậc cao niên ở Hội An truyền lại rằng: Bà Nguyễn Thị Sen chính là vị Tổ của nghề may.
Theo những gì mà người xưa truyền lại, Bà Nguyễn Thị Sen ra đời và trưởng thành ở một ngôi làng có tên là Trạch Xá, thuộc xã Hòa Lâm, huyện Ứng Hòa, trấn Sơn Tây (ngôi làng này đã được Quý Minh Đại Vương là một vị thần tướng có công giữ nước, dưới thời của Hùng Vương lập nên).
Ở trong ngôi làng đó, không một ai là không biết tới bà với phẩm hạnh nết na, dịu dàng, đảm đang, xinh đẹp, giỏi giang may mặc, dệt vải, thêu thùa, trồng dâu.
Trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư có ghi chép rõ ràng, Vua Đinh Tiên Hoàng vĩ đại của chúng ta có lập năm hoàng hậu là:
Đan Gia
Trinh Minh
Kiều Quốc
Cồ Quốc
Ca Ông
Trong năm vị hoàng hậu đáng kính kể trên thì Thánh Tổ của nghề may chính là tứ phi Hoàng Hậu Cồ Quốc.
Năm xưa, Vua Đinh Tiên Hoàng đích thân đến làng Trạch Xá kén chọn hiền tài giúp nước đã gặp và nên duyên cùng bà Nguyễn Thị Sen. Sau đó bà theo vua về triều và được phong là Tứ Phi Hoàng Hậu.
Tại triều đình, bà được giao cai quản về May trang phục Hoàng Triều.
Với đôi bàn tay khéo léo và trí thông minh hơn người bà đã cùng các cung phi tạo ra những loại quần áo sang trọng và đẹp mắt vô cùng.
Đặc biệt bà đã huấn luyện cho triều đình bấy giờ một đội ngũ thêu thùa may vá đông đảo. Những cung nữ được bà dạy dỗ, truyền nghề đã giúp nghề may trong cung vua phát triển mạnh mẽ, điều mà trước đây chưa từng xảy ra.
Vua Đinh Tiên Hoàng bị gian thần sát hại vào năm 979 (Kỷ Mão). Cả triều đình lâm vào cảnh tranh quyền đoạt vị, binh đao loạn lạc.
Quá chán nản bà đã đưa các con rời khỏi Hàng cung và về lại quê hương của mình là làng Trạch Xá.
Sau đó, bà đã truyền dạy nghề may lại cho dân làng, kể từ đó nghề may đã được phát triển từ đời này sang đời khác, tính đến bây giờ thì đã hơn 1000 năm.
Để các thế hệ con cháu biết về công đức to lớn của bà đối với nghề may, người dân tại làng Trạch Xá đã cùng nhau lập nên đền thờ Thánh Tổ Nghề May và lấy ngày bà qua đời làm ngày tổ chức lễ hội Giỗ Tổ Thợ May, chính là ngày 12 tháng Chạp âm lịch.
#TAMILEATHER #DODATAMI #DODACAOCAP #NGHEMAY #12THANG12AL #GIOTONGHEMAY